Tản mạn chuyện làm game

by Trang Thu
A+A-
Reset

Ở đây mình nói đến là làm game hợp pháp bình thường chứ không phải mấy game cờ bạc nha!!!

1. Về nghề làm game

Không biết page mình có ai theo dõi phim “Đừng rung động vì anh” của Lâm Nhất với Châu Dã đóng chính không, hoặc đọc bản truyện của tác giả Kiều Diêu cũng được? Không bàn đến nội dung yêu đương trong phim, thì mình thấy là nội dung về nghề làm game trong phim/truyện tuy hơi ảo ma tí nhưng cũng khá sát với thực tế ở những công ty làm về mảng nghiên cứu và phát triển game bên này. Nếu bạn thích chơi game và có mong muốn tìm hiểu thêm 1 chút về ngành thì có thể đọc bài viết này của mình nhé.

Nói về cơ duyên đến với ngành, năm 2014 khi còn là sinh viên năm 3, mình bị nghiện game Cửu Âm Chân Kinh nên có xin làm Cộng tác viên Fanpage cho game này, sau đó đến đầu năm 4, mình xin làm nhân viên CSKH tại công ty, từ đó bắt đầu con đường 8 năm làm game của mình.

Là một người từng trải nghiệm làm game ở cả các nhà phát hành game VN cho đến ở những nhà sản xuất game tại TQ với đa dạng vị trí từ CSKH, dịch thuật, vận hành…, đến bây giờ khi công việc chính ko phải là làm game nữa, nhưng mình vẫn khá hoài niệm khoảng thời gian làm game ngày xưa.

2. Các kiểu công ty game

Đầu tiên, để so sánh giữa công việc khi làm việc tại các công ty phát hành game và các công ty sản xuất game thì đại khái có thể phân biệt ngắn gọn như sau.

Thời 8-9 năm đổ về trước, đa số các công ty phát hành game ở Việt Nam sẽ tiến hành mua game tại Trung Quốc về, sau đó qua 1 quá trình bản địa hóa (bao gồm dịch thuật, thêm bớt, chỉnh sửa 1 số tính năng để phù hợp với văn hóa bản địa), thì game sẽ được lên kệ và phát hành tại Việt Nam. Ở trong trường hợp này, những công ty Việt Nam không được can thiệp quá nhiều vào nội dung game, mọi thứ đều phải nghe đội kỹ thuật của Trung Quốc. Lúc đó sẽ có 1 quá trình như này: User chơi game lỗi, sự kiện như quần què -> chửi CSKH -> CSKH tiếp nhận thông tin rồi đi chửi Vận hành -> Vận hành tiếp nhận thông tin đưa dịch thuật -> Dịch thuật đi chửi nhau với dev =))))))). Hồi mình làm CSKH, mình ghét vận hành lắm luôn, suốt ngày chửi mẹ mấy ông vận hành ngu ngục để user chửi =))))))))) Sau này mình sang làm vận hành thì mình chửi mấy ông game design rồi dev làm sự kiện như quần què, lỗi mãi không fix, sau nữa sang làm dịch thuật thì mình chửi cả dev cả vận hành luôn =))))) Những ngày đi làm là những ngày bị chửi và đi chửi nhưng nói chung vẫn rất là vui =)))))

Hiện nay ngoài việc mua game về làm thì Việt Nam cũng có nhiều studio tự làm game, có kiểu thì lấy source của các con game bên Trung về rồi remake lại, có kiểu thì tự làm từ A-Z luôn. Cá nhân mình thích làm ở những studio kiểu này hơn, cái này bên Trung Quốc thường gọi là 研发中心 (trung tâm nghiên cứu và phát triển). Vì làm trong những studio này thì mình được can thiệp vào nội dung game nhiều hơn chứ ko chỉ đơn thuần là vận hành, đồng nghĩa là cảm giác thành tựu của mình sẽ lớn hơn. Ví dụ bạn là 1 game designer (游戏策划), cảm giác khi viết kịch bản, cốt truyện game, hay thiết kế ra 1 nhân vật cho đến lúc nó được dựng thành 1 bản game hoàn chỉnh, nói chung thì rất là có cảm giác thành tựu luôn ấy.

Ngoài ra thì bây giờ còn có 1 kiểu là các công ty Trung Quốc thay vì bán bản quyền trực tiếp cho các công ty Việt Nam vận hành, thì họ tự vận hành luôn. Họ tìm 1 đội outsource để dịch thuật và 1 – 2 người bản địa để hiệu đính và làm các công việc như content, hỗ trợ user, còn các khâu thanh toán hay xin giấy phép thì họ kết hợp với 1 công ty Việt Nam để thực hiện… Như vậy họ sẽ ko cần phải chia % quá nhiều cho những công ty vận hành, được nhiêu ăn tất bấy nhiêu nhưng cũng sẽ có rủi ro là ko hiểu thị trường Việt.

3. Ưu nhược điểm khi làm game

Môi trường làm việc: Khi làm game, bạn sẽ được làm trong môi trường trẻ trung, năng động, không gò bó, nói chung là vui.

Học hỏi được nhiều. Sếp cũ mình bảo là đứa nào đã làm game được thì đi qua ngành nào cũng làm được. Làm game cũng có các vị trí giống như làm những công việc bình thường khác, có PM, có Marketing, có content, dịch thuật…. Thường 1 nhân sự làm game sẽ phải đảm nhiệm khá nhiều đầu việc, nhất là người PM phải làm sao để điều tiết công việc giữa các team, lại phải đảm bảo được tiến độ ra game… Áp lực tạo kim cương nên đa số nhân sự làm game mà mình biết đều có khả năng đa nhiệm rất tốt.

Các quy định về giờ giấc và ăn mặc tương đối thoải mái. Đa số các công ty làm game đều ko yêu cầu quá gắt gao về giờ giấc (tại vì tăng ca nhiều mà =)))), còn ăn mặc thì như những công ty cũ của mình, kể cả bạn có mặc bikini đi làm chắc cũng không ai bảo sao =))))

Cảm giác thành tựu: Cái này thì mình nghĩ ở ngành nào cũng có. Tuy nhiên, khi làm trong ngành game, nhất là những bạn làm ở studio sản xuất game, thì quá trình từ khi bắt đầu làm game đến lúc nhìn thấy con game được hoàn thiện sẽ mang đến 1 cảm giác thành tựu khó nói thành lời hehe.

– Cuối cùng, đối với những thanh niên thích chơi game, thì các bạn vào đây có thể chơi game tới ngán thì thôi =))))))

Bên cạnh những ưu điểm trên thì theo mình làm game cũng có 1 vài điểm hạn chế:

Đầu tiên phải kể tới là lương của ngành này không cao (nếu không muốn nói là thấp). Vị trí thường thấy nhất trong ngành game là nhân viên vận hành. Vị trí này không quá khắt khe về yêu cầu đầu vào, đồng nghĩa với nó là lương cũng sẽ không cao (khoảng tầm 10-12 triệu cho 1 năm kinh nghiệm). Trước kia thời 2017 mình làm vận hành với mức lương 6tr7, sau đó nửa năm được tăng lên 7tr5 (hình như là vậy mình không nhớ rõ lắm). Nếu bạn vào các studio tự sản xuất game với vị trí game design thì sẽ có mức lương cao hơn, nếu 3-4 năm kinh nghiệm có thể rơi vào tầm ~20 triệu. Ở đây mình chỉ nói đến các vị trí đặc thù của ngành, còn các vị trí như dịch thuật, IT … thì lại khác. Có điều lương chỉ là 1 phần, tùy công ty cũng sẽ có thưởng dự án, thưởng nhiều ít còn phụ thuộc vào dự án mà bạn làm có ngon hay không.

– Thứ 2 là công việc áp lực. Ngành này thì tuy lương không cao nhưng lại được cái làm nhiều và áp lực =)))) Nhất là những lúc chuẩn bị ra game, khoảng thời gian game ra nếu xui xui game bị lỗi. Bạn sẽ chịu áp lực từ phía người chơi, rồi từ sếp. Chuyện OT đêm hôm để chầu chực cập nhật sửa lỗi hay kiểu game sập đột xuất là chuyện rất bình thường.

Thứ 3 là con đường thăng tiến khá hẹp. Nếu bạn làm 1 nhân viên vận hành thông thường, con đường thăng tiến của bạn đa phần sẽ là làm lâu sẽ lên PM dự án, nữa thì lên đến giám đốc vận hành,… Nhưng nói thật thì mấy người lên cao được như vậy đâu. Nếu không lên cao được mà chỉ làm 1 nhân viên vận hành bình thường thì lương cũng chỉ có vậy.

Thứ 4 là vấn đề tuổi tác. Đây là 1 ngành cần nhân sự trẻ, luôn phải cập nhật cái mới. Nếu đến năm 30 tuổi mà bạn vẫn không có đột phá gì trong con đường sự nghiệp, thì rất có thể bạn sẽ bị đào thải.

Thứ 5, tương tự như trên thì làm game cũng không ổn định. Nếu bạn phụ trách 2-3 dự án mà cứ faild hoài thì rất có thể cả bạn và team của bạn sẽ được 1 vé ra đảo cùng nhau.

Thứ 6, cái này mình cũng không biết có được gọi là khuyết điểm không nữa, đó chính là danh tiếng ngành nghề =)))) Nhiều khi nói với người không hiểu, họ hỏi mình làm gì, nghe mình bảo làm game họ sẽ đánh giá =)))) Tiện đây thì mình cũng xin thanh minh luôn là làm game cũng như làm bao ngành nghề khác thôi, kiếm tiền chân chính đó ạ.

OK nếu như mà các bạn đã đọc được đến đây, thì chắc là cũng khá đam mê với bộ môn nghệ thuật thứ 9 này rồi đấy =))))

Vậy thì tiện đây công ty vận hành game của anh đồng nghiệp cũ của  mình đang tuyển 1 số vị trí liên quan đến cộng đồng, CSKH, marketing, vận hành game. Môi trường bao vui, sếp bao xịn. Nếu bạn nào có mong muốn thử sức với ngành này, có thể tham khảo JD tại đây nhé: https://vmge.vn/tuyen-dung

Nếu các bạn còn vấn đề gì thắc mắc về nghề làm game, có thể để lại comment cho mình nhé.

You may also like

Leave a Comment