Hello xin chào mọi người lại là mình Chang Khoai Lang đây~
Chắc hẳn các bạn theo dõi blog của mình lâu rồi cũng biết, mình đã từng có thời gian làm việc rất lâu trong ngành game, và cũng đã may mắn có được cơ hội làm việc tại 1 công ty game hàng đầu Trung Quốc. Trong quãng thời gian này, mình được đích thân trải nghiệm cuộc sống đi làm 996 mà trước giờ chỉ nghe người ta đồn trên mạng, được hưởng thụ những đãi ngộ và phúc lợi chưa từng được hưởng ở những công ty trước, giúp mình phần nào có cái nhìn toàn diện hơn về cuộc sống của những nhân viên đi làm ở những công ty lớn bên đây.
Trong bài viết hôm nay, mình sẽ hệ thống lại những thông tin vụn vặt về mức lương, phúc lợi và cường độ làm việc của nhân viên tại các công ty công nghệ lớn tại Trung Quốc mà trước kia mình từng chia sẻ trên Fanpage. Những thông tin mà mình viết ra đây đều dựa trên kiến thức và kinh nghiệm thực tế mà mình đã trải qua, cũng như tham khảo từ những người bạn Trung Quốc của mình đang làm việc tại các công ty công nghệ lớn chia sẻ, đồng thời tổng hợp từ 1 số nguồn các trang Mạng xã hội của Trung Quốc như Zhihu, Weibo, Douyin…
Bất cứ nội dung gì được viết ra cũng sẽ có ý kiến trái chiều. Mong các bạn hãy tranh luận hoặc góp ý một cách văn minh và lịch sự.
Mục lục
1. Big Tech tại Trung Quốc bao gồm những công ty nào?
Ở Trung Quốc, người ta thường gọi những công ty công nghệ lớn với với cái tên 互联网大厂. Theo thông tin mình tìm được, hiện tại các công ty có thể được xưng là công ty công nghệ lớn tại TQ sẽ bao gồm những công ty sau (Ở đây mình lấy theo BXH TOP 10 công ty lớn nhất, tính theo điểm tổng hợp)
(Nguồn: https://zhuanlan.zhihu.com/p/664663526)
Hạng 1: Tencent (Công ty mẹ của Wechat, QQ, là công ty game lớn số 1 TQ)
Hạng 2: Tập đoàn Ant Financial (Tách ra từ Alibaba, là công ty của Alipay)
Hạng 3: Tập đoàn Taotian (Cũng từ Alibaba, phụ trách Taobao, tianmall)
Hạng 4: Baidu (Ứng dụng tìm kiếm tương tự Google tại Trung Quốc)
Hạng 5: Meituan (Ứng dụng đặt đồ ăn lớn nhất TQ)
Hạng 6: Shanghai xunmeng (Công ty chính của Pinduoduo, temu, sàn TMĐT lớn sau Taobao)
Hạng 7: Tập đoàn Jingdong (Sàn TMĐT Jingdong, chuyên bán hàng chính hãng tại TQ)
Hạng 8: Kuaishou (App video ngắn tương tự douyin)
Hạng 9: Bytedance (Công ty mẹ của Douyin, tiktok)
Hạng 10: Netease wangyi (Công ty game lớn thứ 2 tại TQ cũng chính là công ty cũ mình từng làm)
Ngoài 10 công ty đầu bảng trên, các vị trí xếp hạng sau có các công ty có thể các bạn cũng khá quen mặt như: Xiaomi, Trip.com, Bilibili, Mihoyo, Iqiyi, Mango…
2. Mức lương của Dev tại các Bigtech
(Nguồn: https://zhuanlan.zhihu.com/p/110443296)
2.1. Mức lương cập nhật vào tháng 9/2020 (Khi chưa trải qua 3 năm đại dịch)
Như ở trên hình mọi người có thể thấy, cột đầu tiên là tên công ty, bảng này bao gồm các công ty: Alibaba, Tencent, Bytedance, Meituan, Baidu, Jingdong, Didi, Netease, Kuaishou.
Cột thứ 2 là số tháng lương mà nhân viên sẽ nhận được trong 1 năm. Thấp nhất là Jingdong với 14 tháng lương, còn đa số đều trên 15 tháng.
Cột thứ 3 là giải thích về cách tính lương. Ví dụ với công ty đầu tiên là Alibaba, 1 năm của họ sẽ nhận được 12+1+3 tháng lương, cam kết thấp nhất sẽ nhận 13 tháng, 90% nhân viên sẽ nhận được thưởng trên 3 tháng.
Cột thứ 4 là những hình như viên gạch kia, đấy chính là chi tiết mức lương dựa theo cấp bậc. Ví dụ như ở Alibaba sẽ tính cấp nhân viên theo P, có từ P1 cho đến P10 hoặc hơn thì phải (mình không rõ lắm), nhưng chỉ từ khoảng P5 trở lên mới tính là nhân viên cao cấp, từ P5 trở xuống là nhân viên phổ thông, outsource, thực tập sinh… Như ở Trung Quốc có những đợt tuyển dụng ở trường đại học, thì người ứng tuyển có học vị thạc sĩ, có từ 0-2 năm EXP được tính là P5, khi vào làm từ 1-4 năm thì sẽ tăng lên P6, P6 lại làm từ 3-8 năm thì lên P7, đại đa số nhân viên thông thường thì tăng được lên đến P7 hoặc P8 đã là mức trần. Các cấp từ P9 đổ lên là lãnh đạo cao cấp hoặc sếp to. Từ cấp P6 đổ xuống, lương của các vị trí Kỹ thuật sẽ cao hơn các vị trí khác 30%, từ P7 trở lên thì tương đương.
Những công ty bên dưới cũng thế, như Tencent thì có vẻ phân cấp nhiều hơn. Ở đây cột lương này được tính đơn vị Vạn nhân dân tệ, tính theo tổng lương 1 năm, bao gồm tiền tăng ca, tiền thưởng, cổ phiếu…., ko tính tiền phụ cấp ăn uống, phụ cấp xe và nhà ở.
Mình ví dụ như Alibaba, những nhân viên ở cấp độ P7 có mức lương dao động từ 50-100 vạn, P8 từ 100-150 vạn. Cách tính theo P này cũng có nhiều trường hợp ngoại lệ. Ví dụ như dù chỉ là P6 nhưng mà thời gian họ vào làm lâu năm rồi thì tính cả số tiền nhận từ cổ phiếu… cũng có thể cao hơn 100 vạn, hoặc dù là P7 nhưng mới vào, những năm gần đây chia cổ phiếu ít thì cũng có thể ko đạt được 100 vạn. Mọi con số chỉ mang tính tương đối.
2.2. Mức lương cập nhật vào tháng 9/2022 (Khi đã trải đại dịch)
Sau khi trải qua 3 năm đại dịch, mức lương của ngành IT cũng đã có sự thay đổi đáng kể. Mức lương sàn của sinh viên mới ra trường đã được tăng lên, đa số 1 năm sẽ trên 30 vạn. Cổ phiếu của các tập đoàn công nghệ không ngừng biến động, có nhiều công ty trượt giá, dẫn đến mức thu nhập của nhân viên tính cả tiền chia cổ phiếu sẽ bị giảm đi nhiều. Ví dụ như cổ phiếu của Alibaba bị tụt khá mạnh, hiện tại nhân viên cấp P7 có thể chưa được 100 vạn như ngày xưa, ngược lại cổ phiếu của Bytedance tăng lên, thì thu nhập của nhân viên được chia cổ tức cũng tăng lên, nhưng đối với nhân viên mới thì lại giảm số % cổ tức được nhận.
3. Phúc lợi của nhân viên tại các công ty công nghệ lớn tại Trung Quốc
Trên hình là phúc lợi nhân viên tại các công ty từ trái sang phải lần lượt: Bytedance, Alibaba, Tencent, Meituan, từ trên xuống dưới bao gồm các mục: Phụ cấp ăn uống, phụ cấp nhà cửa, phụ cấp đi lại, nghỉ phép năm
Nhìn chung có thể thấy, tất cả các công ty đều có chế độ phúc lợi rất tốt, miễn phí ăn uống, trợ cấp nhà cửa, OT sau 9 hoặc 10h sẽ có claim tiền taxi, 1 năm từ 7-15 ngày nghỉ phép (chế độ nghỉ phép năm ở TQ không giống VN, số ngày phép sẽ tính theo thâm niên làm việc, làm càng lâu số ngày phép càng nhiều).
Trường hợp cụ thể ở công ty cũ của mình (Netease), bọn mình mỗi tháng được cộng 800 tệ tiền ăn trưa và tối, mỗi buổi sáng được 8 tệ tiền ăn sáng, mỗi đêm được 15 tệ ăn khuya (đồ ăn có sau 9h tối). Tan làm sau 9h tối, bên mình cũng claim tiền taxi đi về, hàng tháng có trà chiều, các hoạt động vui chơi giải trí… Do mình là người nước ngoài nên không rõ về chính sách trợ cấp nhà ở nên mục này không bàn đến.
Tuy nhiên sau khi đại dịch qua đi, nhiều công ty layoff hàng loạt thì phúc lợi hiện tại cũng không được tốt như xưa. 1 số công ty cắt giảm trà chiều, cắt giảm tiền hỗ trợ nhà ở…
4. Cường độ làm việc tại các Bigtech
Các cụ ta thường có câu, tiền nào của nấy. Không có công việc nào nhàn hạ mà kiếm ra nhiều tiền. Để có được mức thu nhập 1 năm ~100 vạn thì nhân viên ở các công ty này cũng đánh đổi bằng cách bán sức lao động.
Đa số các Bigtech đều có thời gian làm việc 996 (9h sáng đến 9h tối mỗi ngày, 6 ngày mỗi tuần). Nói là 996 nhưng số giờ làm việc thực sự có thể còn nhiều hơn thế.
Trước đó cũng có lần mình chia sẻ trên Fanpage, mình có quen 1 bạn làm tại Alipay hơn 5 năm rồi, nhưng số ngày bạn tan làm đúng giờ chắc chỉ khoảng hai con số. Vì bạn mình làm hệ thống liên quan đến tiền nong, nên mọi sự cố xảy ra chỉ được phép xử lý trong thời gian ngắn nhất có thể. Khi hệ thống có vấn đề, con bot sẽ auto điện thoại trực tiếp đến số của dev, và cho dù lúc đấy bạn đang làm gì đi chăng nữa thì cũng phải mở lap ra để xử lý công việc ngay và luôn.
Đó, nói tóm lại là mức thu nhập 1 năm vài tỷ thì đúng là có thật, nhưng để đạt được mức thu nhập đó thì họ cũng phải đánh đổi rất nhiều, từ cuộc sống cá nhân đến cuộc sống gia đình, hơn nữa trong ngành IT tại Trung Quốc dường như lại có 1 luật bất thành văn, đến năm 35 tuổi sẽ có khả năng rất cao bị layoff. Do đó trong lúc còn trẻ họ lại càng phải cố gắng nhiều hơn để tránh khỏi quy luật bị đào thải.
Hy vọng bài viết của mình phần nào giúp bạn có thêm được những góc nhìn mới về cuộc sống của dân IT tại các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc.
Nếu bạn có bất kỳ vấn đề gì thắc mắc, vui lòng bình luận hoặc nhắn tin trực tiếp cho mình để được giải đáp nhé.
- FB: Vườn Khoai Lang
- Insta: Changg.494
Nếu thấy bài viết hữu ích, hãy ủng hộ mình 1 ly trà sữa nhé